TUYỂN SINH NGHỀ KỸ THUẬT CHẾ BIẾN MÓN ĂN VÀ NGHỀ DINH DƯỠNG HỌC ĐƯỜNG - THỜI GIAN ĐÀO TẠO: 01 THÁNG. KHAI GIẢNG LIÊN TỤC TRONG THÁNG.

Tìm kiếm

Thống kê truy cập

1,359,343
7
163
239
108,691

Liên kết

Nhu cầu phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam
Cập nhật 09/10/2014 Lượt xem 1492

(QT) - Theo kinh tế học hiện đại, nguồn nhân lực (NNL) là nguồn cung cấp sức lao động cho nền sản xuất xã hội, cung cấp nguồn lực con người cho sự phát triển. Do đó NNL bao gồm toàn bộ dân cư có khả năng lao động, không phân biệt người đó thuộc ngành nghề, lĩnh vực, khu vực nào. 

Theo tổ chức Lao động quốc tế, phát triển NNL là phát triển năng lực và sử dụng năng lực đó của con người để tiến tới có được việc làm hiệu quả, cũng như thỏa mãn nghề nghiệp và cuộc sống cá nhân. Các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc cho rằng, phát triển NNL bao gồm cả giáo dục, đào tạo và việc sử dụng các năng lực, tiềm năng của con người nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối với Việt Nam hiện nay, việc phát triển NNL cần tập trung vào phát triển số lượng nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT), đặc biệt là nhân lực trình độ cao; nâng cao chất lượng NNL; chuyển dịch cơ cấu nhân lực theo hướng tiến bộ; phát huy các yếu tố là lợi thế cạnh tranh của nhân lực Việt Nam. Việc phát triển NNL còn bao gồm cả phát triển thể lực, trí lực, khả năng nhận thức và tiếp thu kiến thức, tay nghề; tính năng động xã hội và các kỹ năng mềm khác, tạo nên phẩm chất của người lao động và phẩm chất này ngày càng được nâng cao hơn nhờ quá trình học suốt đời và tích lũy trong cuộc sống và lao động. 

Muốn có NNL chất lượng cao, đòi hỏi phải có sự đầu tư vào con người thông qua giáo dục, đào tạo nghề nghiệp và đó chính là đầu tư cho phát triển. Một bộ phận lao động là lao động kỹ thuật, đó là lao động được đào tạo, được cấp bằng hoặc chứng chỉ của các bậc đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, trực tiếp tạo ra sản phẩm hàng hóa và dịch vụ phục vụ quốc kế dân sinh. 

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đang được coi là xu hướng phát triển chung của các nước đang phát triển. Không nằm ngoài quỹ đạo đó, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra đường lối CNH, HĐH nhằm đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong đó con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Để thực hiện mục tiêu đó, 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 2011- 2020 là “phát triển nhanh NNL, nhất là nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển NNL với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Để thực hiện định hướng chiến lược này, cùng với phát triển nhân lực chất lượng cao, phải phát triển dạy nghề cả bề rộng và chiều sâu, đáp ứng nhu cầu về nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, đồng thời mở rộng quy mô dạy nghề cho người lao động, phục vụ có hiệu quả cho chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, tạo nhiều việc làm có thu nhập cao, cải thiện đời sống cho người lao động, cơ bản hoàn thành phổ cập nghề cho thanh niên. 

Để phát triển NNL cả về số lượng và chất lượng, nhất là NNL chất lượng cao, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra một số giải pháp căn bản như xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới, chăm lo bồi dưỡng thể lực, trí tuệ, đạo đức, nhân cách, phẩm chất… của con người để xây dựng và phát triển NNL chất lượng cao, đồng thời chỉ rõ phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt. Theo định hướng chiến lược của Đảng, đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% trong GDP, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 30% trong lao động xã hội). Do đó, nền kinh tế cần có đội ngũ lao động có kiến thức, kỹ năng nghề với cơ cấu và trình độ phù hợp. 

Ngày 19/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 579/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ2011- 2020; đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam theo Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011. Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ2011- 2020 đã cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế -xã hội và Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ2011- 2020. 

Theo tài liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục dạy nghề, dự báo cơ cấu NNL cho giai đoạn 2015-2020 như sau: Năm 2015, tổng nhu cầu nhân lực là 55 triệu người, trong đó số nhân lực qua đào tạo ở bậc sơ cấp nghề khoảng 18 triệu người (chiếm 59% tổng số nhân lực qua đào tạo của nền kinh tế), nhân lực qua đào tạo bậc trung cấp là 7 triệu người (khảng 23%), đào tạo ở bậc cao đẳng là gần 2 triệu người (khoảng 6%), đại học khoảng 3,3 triệu người (khoảng 11%), bậc trên đại học là 200 nghìn người (0,7%). Năm 2020, tổng nhu cầu nhân lực là 63 triệu người, trong đó số nhân lực qua đào tạo ở bậc sơ cấp nghề khoảng 24 triệu người (chiếm khoảng 54% tổng số nhân lực qua đào tạo của nền kinh tế), nhân lực qua đào tạo bậc trung cấp là 12 triệu người (khoảng 27%), đào tạo ở bậc cao đẳng là hơn 3 triệu người (khoảng 7%), đại học khoảng 5 triệu người (khoảng 11%), bậc trên đại học là 300 nghìn người (chiếm khoảng 0,7%). Như vậy, nhu cầu lao động qua đào tạo ở bậc sơ cấp nghề rất lớn (trên 50% lao động qua đào tạo của nền kinh tế), giảm dần qua các bậc đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học; đồng thời nhu cầu đào tạo bậc trung cấp gấp hơn 3 lần bậc cao đẳng và gấp hơn 2 lần bậc đại học. 

Theo tính toán của các nhà thống kê, dự báo trên đây dựa trên cơ sở phát triển dân số, phát triển các ngành nghề, từ đó có sự cần thiết đối với nhu cầu các trình độ của NNL phục vụ các ngành nghề trong nền kinh tế- xã hội; các trường học, các cơ sở đào tạo cần có chiến lược phát triển phù hợp để đáp ứng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong xã hội. Đây cũng là các con số giúp những người bước vào độ tuổi lao động nhận thức rõ hơn nhu cầu của xã hội và sự cần thiết lựa chọn ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp để phục vụ trong cuộc sống. 

Sự tham gia của các trường trong việc đáp ứng nhu cầu NNL cho xã hội là tham gia giáo dục, đào tạo với các trình độ tương ứng với chức năng, nhiệm vụ của các trường, các cơ sở đào tạo. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng là phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Trên địa bàn Quảng Trị hiện nay có hệ thống các trường phổ thông, Trường Cao đẳng Sư phạm, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị, Trường Trung cấp Mai Lĩnh, Trường Trung học Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Trung cấp Y tế, Trường Trung cấp nghề, Trường Trung cấp Giao thông vận tải, các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề của tỉnh và huyện, thị xã, thành phố. Các cơ sở đào tạo này sẽ tham gia đào tạo NNL ở các trình độ khác nhau như sơ cấp nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Mỗi trường đều có một đặc trưng riêng, thế mạnh riêng trong đào tạo. Vì vậy cần phát huy các thế mạnh của mình, đồng thời tích cực góp phần đào tạo nguồn nhân lực ở các trình độ khác nhau, đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và đất nước. Người học nghề cũng nên cân nhắc, suy nghĩ lựa chọn ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp, vì xã hội luôn luôn cần những NNL với các trình độ khác nhau, các kỹ năng chuyên môn khác nhau để tạo ra những sản phẩm cho xã hội và phục vụ xã hội. 


TS. LÊ THỊ XUÂN LIÊN

Thư viện trực tuyến

Thư viện hình ảnh

TT Ngoại Ngữ-Tin Học

Sinh viên cần biết