TUYỂN SINH NGHỀ KỸ THUẬT CHẾ BIẾN MÓN ĂN VÀ NGHỀ DINH DƯỠNG HỌC ĐƯỜNG - THỜI GIAN ĐÀO TẠO: 01 THÁNG. KHAI GIẢNG LIÊN TỤC TRONG THÁNG.

Tìm kiếm

Thống kê truy cập

1,480,779
19
22
455
131,411

Liên kết

Chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực
Cập nhật 09/10/2014 Lượt xem 2567

(QT) - Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu tổng quát là “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”. 

Để đất nước phát triển nhanh, bền vững, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 xác định ba khâu đột phá, gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. 

Trong ba khâu đột phá đó, phát triển nguồn nhân lực là một đột phá chiến lược có vai trò quan trọng, bởi vì “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ” là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

 


Giờ thực hành của học sinh Trường Trung cấp Mai Lĩnh - Ảnh: TL.

Xét đến cùng, đây là khâu quan trọng nhất trong ba khâu đột phá, có vai trò chi phối việc thực hiện các đột phá khác, vì chính con người tạo ra và thực thi thể chế, xây dựng bộ máy, quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng. Thực hiện tốt đột phá này sẽ làm tăng sức mạnh mềm của quốc gia, tạo ra sức mạnh tổng hợp, có ảnh hưởng quyết định đến việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, một quan điểm quan trọng mà Đại hội XI đã xác định. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy quốc gia nào xây dựng và phát huy tốt nguồn lực con người thì hoàn toàn có thể thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá với thời gian rút ngắn. 

Theo kinh tế học hiện đại, nguồn nhân lực (NNL) là nguồn cung cấp sức lao động cho nền sản xuất xã hội, cung cấp nguồn lực con người cho sự phát triển. Do đó NNL bao gồm toàn bộ dân cư có khả năng lao động, không phân biệt người đó thuộc ngành nghề, lĩnh vực, khu vực nào. Theo tổ chức lao động quốc tế, phát triển NNL là phát triển năng lực và sử dụng năng lực đó của con người để tiến tới có được việc làm hiệu quả, cũng như thỏa mãn nghề nghiệp và cuộc sống cá nhân. Các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc cho rằng phát triển NNL bao gồm cả giáo dục, đào tạo và việc sử dụng các năng lực, tiềm năng của con người nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Như vậy, phát triển nguồn nhân lực bao gồm nhiều yếu tố, trong đó, giáo dục- đào tạo có vị trí quan trọng. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cũng nêu rõ: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi; đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, văn hoá đầu đàn; đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề. Đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển của xã hội; có cơ chế và chính sách thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở đào tạo. Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, đồng thời chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt đối với người bị thu hồi đất; nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo. Quan tâm hơn tới phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. 

Quan điểm phát triển trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011- 2020 cũng nêu rõ: Phát triển giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, nâng cao vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị, kinh tế, xã hội trong phát triển giáo dục. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. 

Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học mà Chiến lược chỉ ra là: Hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp và đại học; điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo ra những con người có năng lực sáng tạo, tư duy độc lập, trách nhiệm công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, năng lực ngoại ngữ, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, năng lực tự tạo việc làm và khả năng thích ứng với những biến động của thị trường lao động và một bộ phận có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới. 

Đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học đạt khoảng 70%; tỷ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo trên một vạn dân vào khoảng 350 - 400. 

Chiến lược phát triển dạy nghề 2011- 2020 cũng nêu rõ quan điểm: Phát triển dạy nghề là sự nghiệp và trách nhiệm của toàn xã hội; là một nội dung quan trọng của chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, đòi hỏi phải có sự tham gia của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở dạy nghề, cơ sở sử dụng lao động và người lao động để thực hiện đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động. 

Mục tiêu tổng quát mà Chiến lược đề ra là: Đến năm 2020, dạy nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phổ cập nghề cho người lao động, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội. 

Một số mục tiêu cụ thể là thực hiện đào tạo nghề để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%, tương đương 23,5 triệu người vào năm 2015 (trong đó trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm tỷ lệ là 20%) và 55% vào năm 2020, tương đương 34,4 triệu người (trong đó trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm tỷ lệ là 23%). Giai đoạn 2011 - 2015 đào tạo mới trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề khoảng 2,1 triệu người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 7,5 triệu người, trong đó có 4,7 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956). Giai đoạn 2016 - 2020 đào tạo mới trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề khoảng 2,9 triệu người (trong đó 10% đạt cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế), sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 10 triệu người, trong đó có 5,5 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án 1956. 

Có thể thấy, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Trong công tác đào tạo, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, đồng thời đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 3 tháng, đào tạo nghề cho người lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng. 

Tất cả những người trong độ tuổi lao động đều có thể đi học, tham gia đào tạo nghề. Tham gia đào tạo nghề với các trình độ, phương thức khác nhau giúp cho người lao động có tri thức, kỹ năng, khả năng tạo ra các sản phẩm, sửa chữa, vận hành, dịch vụ, hay quản lý, nghiên cứu, nâng cao năng suất lao động..., đáp ứng nhu cầu của xãhội trên một lĩnh vực nào đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập của người lao động. Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, dạy nghề là thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực của Đảng, Nhà nước, của địa phương, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cũng là góp phần thực hiện mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tê- xã hội của cả nước nói chung, của tỉnh nói riêng. 

                                                    LÊ THỊ XUÂN LIÊN (Tổng hợp và biên soạn)

 

Thư viện trực tuyến

Thư viện hình ảnh

TT Ngoại Ngữ-Tin Học

Sinh viên cần biết