Nghị định 38/2007/NĐ-CP Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2007
CHÍNH PHỦ
________
Số : 38/2007/NĐ-CP
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
______________________________________
Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2007
|
NGHỊ ĐỊNH
Về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ
thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ
____________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 30 tháng 12 năm 1981; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 21 tháng 12 năm 1990; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 22 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
NGHỊ ĐỊNH :
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ mười tám tuổi đến hết hai mươi lăm tuổi. Công dân nam được tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ, nếu tình nguyện thì có thể được gọi nhập ngũ.
Điều 3. Việc tạm hoãn gọi nhập ngũ
Những công dân nam sau đây được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình:
1. Chưa đủ sức khoẻ phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khoẻ.
2. Là lao động duy nhất phải trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động.
3. Là lao động duy nhất trong gia đình vừa bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
4. Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan binh sĩ đang phục vụ tại ngũ.
5. Người đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu.
6. Người thuộc diện di dân, dãn dân trong ba năm đầu đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn có phụ cấp khu vực hệ số 0,5 trở lên, ở hải đảo có phụ cấp khu vực hệ số 0,3 trở lên theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định.
7. Cán bộ, viên chức, công chức quy định tại Điều 1 Pháp lệnh Cán bộ, công chức, thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, trí thức trẻ tình nguyện làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đang cư trú tại địa phương hoặc người địa phương khác được điều động đến làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn có phụ cấp khu vực hệ số 0,5 trở lên, ở hải đảo có phụ cấp khu vực hệ số 0,3 trở lên.
8. Đang nghiên cứu công trình khoa học cấp nhà nước được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hoặc người có chức vụ tương đương chứng nhận.
9. Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật Giáo dục 2005 bao gồm:
a) Trường trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường năng khiếu, dự bị đại học;
b) Trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề;
c) Trường cao đẳng, đại học;
d) Học viện, viện nghiên cứu có nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
10. Học sinh, sinh viên đang học tại các nhà trường của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam hoặc học sinh, sinh viên được đi du học tại các trường ở nước ngoài có thời gian đào tạo từ mười hai tháng trở lên.
11. Công dân đang học tập tại các trường quy định tại điểm b, điểm c khoản 9 và khoản 10 Điều này chỉ được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong một khoá đào tạo tập trung, nếu tiếp tục học tập ở các khoá đào tạo khác thì không được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Hàng năm, những công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ quy định tại Điều này phải được kiểm tra, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ.
Điều 4. Miễn gọi nhập ngũ
Những công dân sau đây được miễn gọi nhập ngũ trong thời bình:
1. Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng 1, con của bệnh binh hạng 1.
2. Một người anh trai hoặc em trai của liệt sĩ.
3. Một con trai của thương binh hạng 2.
4. Cán bộ, viên chức, công chức, thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, trí thức trẻ tình nguyện quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định này đã phục vụ từ hai mươi bốn tháng trở lên.
Điều 5. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo và hướng dẫn việc thực hiện tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ trong phạm vi cả nước; quy định chế độ báo cáo, chế độ kiểm tra cho đơn vị thuộc quyền và cơ quan quân sự địa phương các cấp.
Điều 6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xem xét, đăng ký, quản lý danh sách công dân ở địa phương thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định; căn cứ quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, tổ chức niêm yết công khai danh sách công dân được tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo, xét duyệt, quyết định danh sách công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ và kiểm tra thực hiện ở địa phương; chỉ đạo cơ quan quân sự cấp huyện đăng ký, quản lý người được tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ theo quy định của Nghị định này.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, xem xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân đối với quyết định của cấp huyện về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ.
Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức
1. Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp phối hợp với cơ quan quân sự cùng cấp quản lý những công dân thuộc diện tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ, công dân di chuyển nơi ở, công dân được cấp hộ khẩu hoặc cấp giấy tạm vắng, tạm trú để thuận tiện cho kiểm tra hàng năm; kịp thời xử lý những hành vi vi phạm các quy định về tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ.
2. Bộ Nội vụ hướng dẫn cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức phối hợp với cơ quan quân sự cấp huyện tổ chức đăng ký nghĩa vụ quân sự đối với cán bộ, công chức trong độ tuổi gọi nhập ngũ làm cơ sở thực hiện tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ đối với những người quy định tại khoản 7 Điều 3, khoản 4 Điều 4 Nghị định này.
3. Các nhà trường quy định tại khoản 9 Điều 3 Nghị định này phối hợp với cơ quan quân sự cấp huyện nơi trường đặt trụ sở tổ chức đăng ký nghĩa vụ quân sự đối với học sinh, sinh viên trong độ tuổi gọi nhập ngũ, làm cơ sở thực hiện việc tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường theo quy định; tổ chức niêm yết công khai danh sách đối với học sinh, sinh viên được tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ tại trường. Việc đăng ký nghĩa vụ quân sự đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường nước ngoài do Bộ Quốc phòng quy định.
4. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm kiểm tra, thực hiện và tạo điều kiện để công dân chấp hành đầy đủ những quy định của pháp luật về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 03/CP ngày 16 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ quy định việc tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với học sinh, sinh viên và đối với thanh niên xung phong, cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước làm việc ở các khu vực có nhiều khó khăn. Các quy định khác trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 9. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Nguyễn Tấn Dũng đã ký
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (5b). A.