TUYỂN SINH NGHỀ KỸ THUẬT CHẾ BIẾN MÓN ĂN VÀ NGHỀ DINH DƯỠNG HỌC ĐƯỜNG - THỜI GIAN ĐÀO TẠO: 01 THÁNG. KHAI GIẢNG LIÊN TỤC TRONG THÁNG.

Tìm kiếm

Thống kê truy cập

1,415,786
16
208
258
120,086

Liên kết

KỸ NĂNG TƯ DUY TÍCH CỰC
Cập nhật 17/09/2015 Lượt xem 2994

Để có thể đứng vững trong một thế giới năng động, thay đổi và đầy thách thức như ngày nay, tất cả chúng ta cần phải có ý chí, nghị lực, lòng tin trước mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Tư duy tích cực giúp chúng ta cảm nhận được những giá trị tốt đẹp từ cuộc sống, giúp chúng ta sống tích cực, giúp chúng ta tự tin và thành công hơn trong cuộc sống.

1. Khái niệm:

Tư duy tích cực là sự suy nghĩ của bạn luôn tập trung vào mặt tích cực của vấn đề, của hoàn cảnh. Tư duy tích cực cũng có nghĩa là bạn suy nghĩ tốt về bản thân, không đánh giá thấp mình, mặt khác, bạn cũng luôn nghĩ tốt về người xung quanh, đối xử với họ bằng một thái độ tôn trọng, đúng đắn, phù hợp. Tư duy tích cực cũng có nghĩa bạn luôn hướng về tương lai với những điều tốt đẹp, lạc quan, tin tưởng những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn. 

Vì sao cần tư duy tích cực?

Tư duy tích cực có vai trò rất quan trọng:

Làm cho con người lạc quan, vui vẻ, chấp nhận sự khó khăn, quyết tâm vượt lên khó khăn, vì thế họ thành công hơn trong công việc, trong cuộc sống, có nhiều bạn bè hơn, họ sống khỏe mạnh hơn, tuổi thọ cao hơn, hạnh phúc hơn những người sống tiêu cực.

2. Các biểu hiện của tư duy tích cực:

- Biết kiểm soát bản thân về cảm xúc, về hành vi, thái độ, công việc

- Lạc quan, tự tin trong công việc, cuộc sống

- Cởi mở, thân thiện với những người xung quanh

- Sẵn sàng tiếp nhận những điều không hay xảy ra và tìm cách giải quyết khó khăn

- Chủ động trong công việc.

- Tích cực, tự giác, tìm cách vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc nhiệm vụ của mình đặt ra.

3. Phương pháp Rèn luyện tư duy tích cực:

3.1. Suy nghĩ một cách tích cực:

Nhìn thẳng vào vấn đề: thay vì chìm ngập trong những cảm xúc chán nản, bạn hãy suy nghĩ một cách tích cực và tìm cách giải quyết những khó khăn bằng những hành động thực tế.

Suy nghĩ tích cực về bản thân, tự tin vào bản thân:

- Bạn cho rằng mọi người xem trọng mình, ít nhất cũng có cha mẹ mình, anh em mình, những người bạn thân của mình vẫn quý mến mình, lo lắng cho mình, mong muốn những điều tốt đẹp ở mình.

- Bạn làm những gì tốt nhất trong khả năng có thể của mình: chơi thể thao, đọc sách, giúp đỡ gia đình, cha mẹ, anh em, giúp đỡ người khó khăn hơn mình, hoàn cảnh hơn mình.

- Hãy suy nghĩ và nhận thấy rằng còn có nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình rất nhiều trong cuộc sống hiện tại, mình còn có nhiều khả năng, nhieeud cơ hội hơn họ. Quan trọng là sự suy nghĩ của bạn, bạn hãy tập trung vào suy nghĩ tích cực và xóa bỏ những suy nghĩ tiêu cực; hãy thay đổi cách suy nghĩ không hay về bản thân để có thể vượt qua những trở ngại về tâm lý của chính bạn, từ đó có những suy nghĩ tích cực, hành động tích cực.

- Rèn luyện cảm xúc tích cực- tư duy tích cực- hành động tích cực- tạo dựng niềm tin tích cực thông qua trải nghiệm của chính mình. Cần đấu tranh để bác bỏ những suy nghĩ tiêu cực và thay thế chúng bằng các suy nghĩ tích cực,

3.2. Viết nhật ký mỗi ngày:

Viết nhật ký mỗi ngày để tự đánh giá lại bản thân về thái độ, cảm xúc, hành vi, cử chỉ, lời nói, việc làm của mình, từ đó có thể rút kinh nghiệm để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của mình. Biết mình sai, mình không đúng và không để mình lặp lại điều đó nữa, đó là một trải nghiệm cần thiết. Vì vậy cần ghi chép và kiểm tra lại các ghi chép của mình để tránh những điều không hay xảy ra một lần nữa.  

Tự đánh giá thái độ tích cực hay tiêu cực của mình trước một sự việc. Suy nghĩ trước khi nói, cân nhắc trước khi hành động, hãy thực tế, chấp nhận sự khiếm khuyết của mình và tìm cách khắc phục nó, không để thời gian trôi qua một cách vô ích.

3.3. Học cách sống tích cực:

Khi một sự việc xảy ra, hãy tập trung vào mặt tích cực của vấn đề, mặt tốt của vấn đề, bởi vì trong mọi vấn đề đều có những cơ hội tốt tiềm ẩn. (ví dụ kết quả học tập chưa tốt: do mình chưa cố gắng hết mình, vậy mình hãy cố gắng trong thời gian tới; …)

Tạo nên cách hình ảnh tích cực, tập tưởng tượng ra những hình ảnh tích cực

Sử dụng ngôn ngữ tích cực: “tôi sẽ cố gắng hết sức …”, “lần sau tôi sẽ cẩn thận hơn…”,  tránh dùng từ “tôi nên …”, “tôi không nên…”,  “tôi phải…”, sử dụng lời khẳng định hơn là lời phủ định.  Để duy trì cách sử dụng ngôn từ tích cực, bạn hãy lập danh sách các từ ngữ tích cực, đồng thời tập sử dụng chúng  mỗi ngày một vài từ cho đến khi chúng trở thành ngôn từ bình thường trong cuộc sống của bạn.  

“Sự tử tế trong ngôn từ tạo nên sự tự tin. Sự tử tế trong suy nghĩ tạo nên sự sâu sắc” (Lão Tử)

3.4. Xây dựng niềm tin tích cực cho bạn:

“Niềm tin là những nhận định vững chắc bắt nguồn từ trải nghiệm của bạn trong thực tế cuộc sống. Những niềm tin tốt đẹp sẽ giúp bạn vững tin vào bản thân, vào người khác, vào thế giới xung quanh, ngược lại niềm tin xấu làm bạn nản chí, bất lực. Hãy xác định và giư lại những niềm tin tích cực và tìm cách thay đổi những niềm tin tiêu cực”.

Kiểm soát nỗi lo sợ của mình khi nói, khi hành động. Bạn hãy tìm kiếm những bằng chứng để chứng minh nỗi lo sợ đó là vô căn cứ. Hãy rèn luyện thói quen chế ngự nỗi sợ hãi, lo lắng.

Điều chỉnh những niềm tin chính yếu suy nghĩ về hiện tại, quá khứ, tương lai của mình để có những tác động tích cực tới hành vi của bạn trong cuộc sống. .

Không nên đánh giá thấp thành công của mình dù là nhỏ nhất, những niềm tin tiêu cực sẽ xóa tan mọi suy nghĩ và thành công của bạn.

 Không nên vội vàng hiểu sai hành động của người khác, nếu không, bạn có thể hiểu lầm mọi chuyện.

Không nên so sánh, vì luôn có những người hoàn hảo hơn bạn hoặc thua kém bạn. Người ta có thể có những ưu điểm này nhưng có thể có những nhược điểm khác.  “Trong ba người đi cùng tôi, có một người là thầy tôi!”

3.5. Hình thành lòng tự trọng:

Những người có lòng tự trọng cao luôn là những người suy nghĩ tích cực. Một thái độ sống tích cực cũng đồng nghĩa với việc bạn luôn tôn trọng bản thân. Từ đó có thể suy luận rằng nếu sử dụng các tư duy tích cực để phát triển những niềm tin trọng yếu của mình, lòng tự trọng của bạn cũng sẽ tăng lên. Khi lòng tự trọng thấp, rắc rối nhỏ nhất cũng tạo nên cảm giác chán nản, tiêu cực. Với lòng tự trọng cao, bạn có thể đối phó với mọi thách thức nảy sinh, hãy chấp nhận thực tế và lòng tự tin sẽ đưa bạn đi đúng hướng”.

- Bạn cần suy ngẫm các nhận xét về bạn, không nên để tâm nhiều vào sự chỉ trích bạn, sau khi thừa nhận những thiếu sót, rút kinh nghiệm, bạn cần tập trung vào các mặt tốt của bản thân. Hãy là người bạn tốt nhất của bản thân, đối xử với mình như cách bạn đối xử với người bạn tốt nhất của bạn. Hãy chúc mừng chính bạn khi bạn gặt hái được thành công nào dù là khiêm tốn nhất, và hãy mời bạn bè, đồng nghiệp chia vui với thành công của bạn.

- Hãy đặt ra cho mình mục tiêu phấn đấu và phấn đấu thực hiện nó. Luôn phấn đấu vươn tới những mục tiêu cao trong cuộc sống, giảm các mục tiêu tầm thường, khi đó bạn sẽ tập trung vào những điều tích cực bạn đang làm.

+ Chú ý khi đề ra mục tiêu: mục tiêu phù hợp , nghĩ ra ý tưởng thực hiện, đề ra các bước tiến hành, thực hiện từng bước.

- Duy trì ý chí phấn đấu: tập trung vào cái được thay vì cái đã mất. 

3.6. Duy trì thái độ tích cực:

Cần áp dụng tư duy tích cực hàng ngày, vào mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, để nó trở thành kỹ năng thường xuyên của bạn trong cuộc sống.

- Mỗi ngày, chọn ra một công việc, một mối quan hệ, một chuyến đi, một việc làm nào đó để tập trung suy nghĩ một cách tích cực và hành động tích cực cho nó.

- Lập kế hoạch hoạt động hàng ngày cho bản thân:

+ Viết ra ít nhất 10 việc có thể làm vào những thời điểm cụ thể, thực hiện nó, trong đó có những phút giây thư giãn vào buổi tối, cố gắng làm những điều mình yêu thích.

+ Đánh giá chúng theo thang điểm từ 1 đến 10 và đưa ra nguyên nhân thành công, không thành công, rút ra bài học kinh nghiệm.

- Mỗi tuần, hãy chọn ra ít nhất 3 điều tích cực để làm cho bản thân.

- Mỗi tháng, hãy dành cho mình một ngày để thư giãn và làm những gì bạn thích.

3.7. Khai phá tiềm năng của bạn:

- Kiểm soát cảm xúc, chế ngự sự giận dữ, biết lắng nghe, nếu có lỗi hãy nhận lỗi và xin lỗi. “Mặn mất ngon, giận mất khôn”.

- Hãy suy nghĩ những gì cần nói, sau đó hãy nói ra một cách đơn giản, ngắn gọn, bình tĩnh, nhìn thẳng vào người đối diện và tỏ ý tôn trọng nhưng thẳng thắn.

- Tạo dựng tâm lý lạc quan: bí quyết là hãy hành động, nếu chưa cải thiện được tình hình, hãy làm một điều gì đó khác.

- Tìm kiếm và huy động các nguồn lực khi gặp khó khăn, trở ngại:

+ Xác định các nhu cầu cần thiết, ghi nhận các kỹ năng cá nhân (mình có gì, mình có thể làm gì…), suy nghĩ cách giải quyết khó khăn

+ Liệt kê các nguồn lực bên ngoài, tìm kiếm sự giúp đỡ bên ngoài (ai có thể giúp mình, giúp như thế nào, bằng cách nào, làm thế nào để có thể có sự giúp đỡ của họ…)

- Xóa bỏ mọi cảm giác bi quan, hướng tới nhưng gì có thể làm để có một kết quả tốt nhất.

- Tăng thời gian thư giãn, “cười thật nhiều khi có thể”

- Tăng cường sự tự tin

3.8. Sống một cách tích cực:

- Rèn luyện sức khỏe, thể lực: tập thể dục hàng ngày, ăn uống hợp lý, ngủ diều độ, giảm sự căng thẳng

- Xây dựng những mối quan hệ tích cực với bạn bè, tôn trọng bạn, thái độ xử sự nhã nhặn, lịch sự, khắc phục những điểm bất đồng.

- Hăng say làm việc, học tập, rèn luyện, tích cực tham gia các hoạt động

- Thích nghi với sự thay đổi, hướng tới tương lai.

4. Vận dụng tư duy tích cực trong cuộc sống:

4.1. Ý thức về bản thân

- Xem lại bản thân những ưu điểm, nhược điểm của mình trong học tập, trong rèn luyện, trong thói quan sinh hoạt hàng ngày, trong quan hệ ứng xử, trong rèn luyện sức khỏe. Chỉ ra những ưu điểm, nhược điểm; đồng thời tìm cách phát huy ưu điểm, khắc phục những nhược điểm bằng các hoạt động cụ thể.

4.2. Áp dụng các biện pháp để rèn luyện tư duy tích cực:

lập kế hoạch, viết nhật ký, thường xuyên kiểm soát bản thân qua lời nói, suy nghĩ, hành vi để hướng tới những điều tích cực, những mặt tích cực của vấn đề.

- Đặt mục tiêu rèn luyện, phấn đấu, có ước mơ, hy vọng trong cuộc sống, luôn duy trì ý chí, nghị lực, niềm tin vào cuộc sống và bản thân. Không chùn bước trước những khó khăn, thất bại.

Tài liệu tham khảo:

- Susan Quilliam, Tư duy tích cực, NXB tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

- Internet

Thư viện trực tuyến

Thư viện hình ảnh

TT Ngoại Ngữ-Tin Học

Sinh viên cần biết